Thứ bảy, 4/5/2024
Chủ nhật, 2/11/2014, 20:55 (GMT+7)

Đại học FPT vô địch S.M.A.C Challenge sau cuộc rượt đuổi tỷ số

Cuộc thi viết ứng dụng trên thiết bị Android điều khiển robot đã diễn ra gay cấn với những bất ngờ đến phút cuối.

Sáng 2/11, vòng chung kết cuộc thi S.M.A.C Challenge 2014 đã diễn ra tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội. Khán phòng với 800 ghế gần như không còn chỗ trống và dậy tiếng hô vang của các sinh viên thuộc 4 trường Đại học FPT, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu mở màn cuộc thi, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ S.M.A.C đang là xu hướng và mới chỉ cách đây vài ngày, các lãnh đạo CNTT hàng đầu châu Á- châu Đại dương đã bàn về S.M.A.C trong Diễn đàn ASOCIO. "Chúng ta đi sau Trung Quốc, Ấn Độ và phải rượt đuổi rất cam go. Với SMAC, chúng ta là người tiên phong. Các bạn là người tiên phong trong lĩnh vực SMAC. Từ những sân chơi này, các bạn sẽ lập công ty mới với muôn vàn ý tưởng khởi tạo. Các bạn sẽ trở thành những người thành công trẻ tuổi nhất đất nước", ông Bình tin tưởng.

Trong vòng thi "Nghệ thuật" đầu tiên, Đội SMAC-MTA (Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho robot Nao mặc áo ghi-le, đội mũ múa trên nền nhạc bài hát Em của ngày hôm qua, Thể dục buổi sáng. Robot của đội Trying-PTIT (Học viện Bưu chính Viễn thông) khiến khán giả cảm động khi múa bài Nhật ký của mẹ. Trong khi đó, đội UET-Invincible (Đại học Công nghệ) cho robot nhảy trên nền nhạc sôi động khá nhuần nhuyễn với hình ảnh 5 robot khác hiện trên màn hình.

Tuy nhiên, phần trình diễn được đánh giá cao nhất là robot của đội FU-Agile (Đại học FPT) với giai điệu mượt mà qua bài múa quạt trên nền nhạc Hello Việt Nam trước khi "biến hoá" thành một vũ công sôi động.

Đội FU-Agile đã giành được ba điểm 9 và một điểm 10 từ các giám khảo và giành chiến thắng vòng thi Nghệ thuật.

Phần thi Trí tuệ là điểm mới của S.M.A.C Challenge năm nay. Robot của mỗi đội sẽ phải trả lời 10 câu hỏi bao gồm giao tiếp tự nhiên và kiến thức lịch sử, địa lý, toán học. Không chỉ nhận diện giọng nói và trả lời chính xác đa số các câu hỏi, robot còn gây ấn tượng khi giao tiếp khá mượt mà, tự nhiên trước những câu như "Bạn có người yêu chưa?"...

Giám khảo Nguyễn Lâm Phương đang đọc một câu hỏi để ứng dụng cài trên smartphone nhận diện và điều khiển robot trả lời. Hai đội Trying-PTIT và UET-Invincible cùng đạt số điểm cao nhất và các giám khảo đã thống nhất chọn UET-Invincible nhất vòng thi Trí tuệ.

Ở phần thi cuối cùng và cũng là phần kịch tính nhất mang tên Sức mạnh, các đội phải lập trình cho robot Wabo di chuyển, chọn và gắp đồ ăn đặt lên bàn. FU-Agile chiến thắng áp đảo 59-0 trước đội SMAC - ATM trong khi UET-Invincible cũng thắng 40-0 trước Trying-PTIT.

Các robot robot gặp không ít khó khăn khi gắp đĩa thức ăn và đã vài lần làm rơi đồ ăn, dẫn đến việc bị trừ điểm.

UET-Invincible (xanh) và FU-Agile cùng bước vào trận chung kết. Cuộc rượt đuổi tỷ số bắt đầu khi robot của UET-Invincible lấy được đồ ăn trước nhưng ngay sau đó, robot của FU-Agile đã gỡ hoà.

Các nhóm thi đấu căng thẳng theo dõi robot Wabo di chuyển.

Điều bất ngờ là khi robot của FU-Agile gắp được đồ ăn, robot của UET-Invincible đã bất chợt lao đến chặn sau lưng. Trong một ngày thiếu may mắn, robot của UET-Invincble dù hai lần lấy được đồ ăn, nhưng để cùng một bàn nên chỉ ghi được 40 điểm và đành chịu thua khi FU-Agile ghi 30 điểm quyết định trong 2 phút còn lại của trận đấu. Đội Đại học FPT chiến thắng với tỷ số 60-40.

UET-Invincble của Đại học Công nghệ đạt giải nhì.

FU-Agile của Đại học FPT giành ngôi vô địch mùa thứ hai S.M.A.C Challenge. Chức vô địch năm 2013 từng thuộc về đội của Học viện Bưu chính Viễn thông.

Châu An
Ảnh: Nguyên Anh