Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ bảy, 31/12/2016, 00:00 (GMT+7)

Bên trong 'trại' cai nghiện game tại Trung Quốc

Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Fernando Moleres hé lộ chân thực cuộc sống tại một cơ sở phục hồi chức năng chuyên điều trị rối loạn do chơi game, Internet ở Trung Quốc.

Cơ sở phục hồi chức năng được Moleres lựa chọn là một trung tâm nằm ở phía nam thủ đô Bắc Kinh.

Trong ảnh là Lu Jun Song, 13 tuổi, đến trung tâm này với tình trạng hoàn toàn mất phương hướng. Kết quả điện não đồ cho thấy có dấu hiệu rối loạn thần kinh.

Khi nền kinh tế của Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ, nhiều cha mẹ lao vào làm việc kiếm tiền và không dành thời gian quan tâm tới con cái, thậm chí ở nhà. Cộng với các hạn chế về chính sách sinh đẻ, hầu hết trẻ em không có anh chị em. Rất nhiều em phải ở nhà một mình và việc chơi game trên máy tính là công cụ giải trí duy nhất. Số khác thì tìm thấy niềm vui và "cảm thấy được chia sẻ" tại các quán game cũng như khi tương tác trực tuyến với người chơi khác.

Leo, người mặc áo xanh, bắt đầu chơi game online từ năm 2005, trung bình mỗi ngày 16 tiếng và đã sớm bỏ học.

Trung tâm điều trị nghiện Internet (IATC) do Tao Ran, một bác sĩ quân y và nhà nghiên cứu, đứng đầu. Ông đã gây dựng tên tuổi và sự nghiệp của mình thông qua việc điều trị nghiện heroin bằng phương pháp quân sự. Các trung tâm của ông hoạt động theo tiêu chí "yêu cho roi cho vọt" với kỷ luật thép của quân đội, thuốc và các phương pháp tâm lý trị liệu.

Các bệnh nhân phải tham gia vào cuộc tập trận kiểu quân sự mỗi 6h30 buổi sáng. Việc lao động và tham gia các hoạt động tập luyện kiểu quân sự được cho là có khả năng cải thiện hoạt động của não và phá vỡ thói quen sử dụng máy tính của bệnh nhân.

Trung tâm cai nghiện game, Internet này có 72 bệnh nhân nội trú, trong đó có 6 bệnh nhân nữ (13 đến 26 tuổi).

Tính kỷ luật tại trung tâm rất nghiêm ngặt. Học viên khi phạm lỗi đều sẽ bị phạt nặng, như phải đứng gác ngoài trời nhiều tiếng liền. Theo Moleres, một số bệnh nhân ở đây đã cố gắng trốn thoát ra ngoài.

Yin Yu Tao và He Song đang ngủ trong khi các bệnh nhân khác chơi bài. Những người bị rối loạn bởi trò chơi trên Internet thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề giao tiếp xã hội với những người khác.

Mỗi ngày, các bệnh nhân phải dành ra hai tiếng để tham gia điều trị bằng phương pháp nói chuyện theo nhóm có sự tham gia của một nhà tâm lý học.

Nơi đây không có mạng Internet, máy tính hay các hình thức giải trí hiện đại. Ngoài giờ luyện tập, điều trị, các học viên được tự do vui chơi nhưng phần lớn đều ngồi nói chuyện với nhau theo từng nhóm.

Trung Quốc hiện có khoảng 600 triệu người sử dụng Internet thường xuyên và chính phủ nước này ước tính khoảng 13% giới trẻ có nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn liên quan đến Internet. Số lượng quán cafe internet và bar tại quốc gia này được ước tính vào khoảng 113.000.

Lu Jung Song, 13 tuổi đang thực hiện bài kiểm tra điện não đồ. Độ ổn định của sóng não thể hiện một phần khả năng bình phục của các bệnh nhân, bên cạnh các đánh giá về khả năng giao tiếp, tâm lý cảm xúc...

Các bệnh nhân đang sắp xếp những cuốn sách có nội dung rối loạn do sử dụng Internet, được viết bởi Tao Ran - Giám đốc trung tâm.

Zhai Ye, 15 tuổi vào trung tâm này 8 tháng trước. Ước mơ của cậu là trở thành một người chuyên vẽ minh họa ở Nhật Bản. Sa đà vào game online, thể trạng của cậu ngày càng yếu ớt do thường xuyên bỏ ăn và lười vệ sinh cá nhân. Gia đình không thể ngăn cản con sa đà vào cơn nghiện game nên đã đưa tới trung tâm để điều trị.

Huang Qi Jun, bắt đầu chơi game trên Internet từ năm 10 tuổi. Có những quãng thời gian cậu chơi game tới 20 giờ liên tục. Mỗi khóa điều trị kéo dài ít nhất 3 tháng, tùy vào tình trạng bệnh nhân. Cha mẹ của Huang sống ở miền nam, đã phải rất cố gắng mới đủ tiền chi trả cho việc điều trị, khoảng 1.500 USD.

Một số bệnh nhân phải uống thuốc để tránh việc cáu gắt, lo lắng và buồn bã. Tiền thuốc hoàn toàn do gia đình chi trả.

Các bệnh nhân mới vào trung tâm thường mất một thời gian dài tự cô lập mình trong phòng. Họ không quan tâm tới cuộc sống bên ngoài và từ chối giao tiếp với những người khác.

Moleres cho rằng các vấn đề trong xã hội Trung Quốc sẽ sớm được xem trọng và giải quyết như một hiện tượng toàn cầu, bởi cuộc sống của giới trẻ trên thế giới hiện nay đang dần phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

Bảo Nam