Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 2/11/2018, 11:45 (GMT+7)

Những công cụ Trung Quốc sử dụng để giám sát công dân

Trung Quốc đang kết hợp nhiều biện pháp và công nghệ nhằm giám sát hoạt động của công dân nước mình.

1. Máy bay gián điệp tạo hình chim bồ câu

Theo SCMP, có hơn 30 cơ quan chính phủ và quân sự Trung Quốc đang sử dụng máy bay không người lái có ngoại hình giống những con chim để giám sát công dân nước mình ở ít nhất năm tỉnh. Với tên gọi là "Dove", chim máy có thể bắt chước động tác vỗ của chim thật (chính xác 90%) bằng cách sử dụng một cặp tay quay chạy bằng động cơ điện. Bên trong chúng có gắn anten GPS và camera quan sát độ phân giải cao cùng hệ thống điều khiển và liên kết dữ liệu với khả năng liên lạc vệ tinh.

2. Camera giám sát

Trung Quốc được xem là quốc gia có hệ thống camera giám sát lớn nhất thế giới. Theo NYTimes, nước này có khoảng 200 triệu camera, triển khai ở khắp mọi nơi, từ đường phố, các khu vui chơi công cộng đến trường học, bệnh viện. Tháng 5 vừa qua, một trường trung học phía Đông Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống camera để theo dõi việc chú ý bài giảng của học sinh.

3. Nhận diện khuôn mặt

Với hệ thống camera rộng lớn của cả nhà nước lẫn tư nhân, Trung Quốc đang kết hợp với cơ sở dữ liệu hình ảnh về hơn 1,3 tỷ dân để phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Bằng hệ thống này, một người nào đó có thể bị phát hiện chỉ vài giây, tỷ lệ chính xác lên đến 90%. Một số khu vực đã đưa vào áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt, như cảnh sát Thâm Quyến xác định nghi phạm và đăng lên màn hình LED cỡ lớn trên đường để người dân phát hiện và tố giác. Công nghệ này cũng từng giúp cảnh sát Trung Quốc bắt giữ thành công 3 nghi phạm bỏ trốn trong 3 vụ việc khác nhau, một trong đó bị bắt giữa đám đông lên tới 50.000 người.

4. Kiểm soát biên giới

Hệ thống camera nhận diện khuôn mặt được áp dụng tại một số cửa khẩu giữa Hong Kong và Thâm Quyến để ngăn những kẻ buôn lậu. Những người này thường mua hàng ở Hong Kong với giá thấp và bán lại ở Trung Quốc với giá cao hơn. Bên cạnh đó, các sân bay tại Bắc Kinh dự kiến áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt cho việc xuất nhập cảnh vào đầu 2019.

5. Các nền tảng nhắn tin

WeChat đang là ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc với hơn 83% người dùng smartphone nước này cài đặt (tỷ lệ tại các thành phố lớn lên đế 92%). Không giống như WhatsApp hay Telegram, WeChat không cung cấp mã hóa đầu cuối, có nghĩa là các bên thứ ba - chẳng hạn tin tặc, chính phủ và nhà khai thác Internet - có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng. Tháng 4/2018, cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết đã thu được một đoạn hội thoại WeChat đã xóa của một cá nhân và nó giúp mở rộng điều tra vụ án. Tòa án tỉnh Quảng Đông mới đây đưa ra phán quyết chấp nhận sử dụng tin nhắn trên WeChat và QQ làm bằng chứng.

6. Quét não người lao động

Công ty Hangzhou Chongheng Electric đã buộc công nhân phải đội mũ bảo hiểm bên trong có gắn các cảm biến quét sóng não. Sau khi đo đạc, dữ liệu sẽ được gửi về trung tâm điều khiển, nơi có hệ thống máy tính kết hợp AI để phân tích cảm xúc công nhân. Theo đại diện công ty này, kết quả sẽ giúp họ điều chỉnh công việc, thời gian nghỉ ngơi của mỗi người, từ đó giúp tăng năng suất lao động.

7. Hệ thống uy tín xã hội (Social Credit System - SCS)

Ra đời vào 2014 và áp dụng thí điểm cách đây ít lâu, SCS cho phép đánh giá công dân dựa trên các hành vi của họ, sau đó chấm điểm "uy tín xã hội". Người có điểm số cao sẽ hưởng nhiều ưu đãi, ngược lại sẽ bị chịu nhiều hình phạt. Việc hút thuốc lá nơi công cộng, trốn thuế, chậm thanh toán hóa đơn, thả rông vật nuôi... đều bị trừ điểm. Những người này có thể bị cấm mua vé tàu/xe, không được làm việc tại các công ty lớn hay việc lựa chọn trường học bị giới hạn. Đến năm 2020, SCS sẽ được vận hành trên toàn Trung Quốc.

8. Lập website cho người dân tố cáo

Tháng 4/2018, Văn phòng An ninh Trung Quốc đưa vào vận hành website cho phép người dân tố cáo các hoạt động đáng ngờ có khả năng đe dọa tới an ninh quốc gia. Những người tố cáo nếu đúng sự thật sẽ nhận được các mức tiền thưởng nhất định, nhưng chưa rõ con số cụ thể. Năm 2017, Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh từng treo thưởng 10.000 - 500.000 nhân dân tệ (1.600 - 79.700 USD) để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động gián điệp.

Bảo Lâm (theo SCMP)