Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 20/11/2017, 14:19 (GMT+7)

Bộ sưu tập máy nghe nhạc MD của dân chơi Sài thành

Những mẫu máy nghe nhạc MD (MiniDisc) của anh Ngọc Long (TP HCM) độc đáo, cổ và hiếm có.

Ngọc Long (quận 1, TP HCM) là một người chơi máy MD cầm tay khá nổi tiếng. Bộ sưu tập MD hiện tại của anh Long đa dạng, với số lượng lên tới hàng trăm. Anh chuyên sưu tầm máy MD từ các thương hiệu có tên tuổi như Sony, Denon, Marantz, Onkyo, Kenwood, Teac, Tascam... và đều có giá tiền triệu. Trong hình là chiếc Aiwa AM-F70 được giới sưu tầm MD đánh giá cao nhờ có màn hình hiển thị rất đẹp với đèn nền LED màu xanh dương, kể cả cụm phím bấm cũng được trang bị đèn nền để dễ thao tác trong bóng tối. Máy có núm tròn xoay để chuyển đổi bài hát một cách nhanh chóng, ngoài ra còn có tác dụng chuyển chữ cái khi đặt tên các bài hát cũng như tuỳ biến trong menu. Aiwa AM-F70 sử dụng chip âm thanh 1-bit DAC/ADC và có 2 mức tăng Super Bass. Pin của dòng này khá hiếm, sử dụng pin Li-ion có thời gian nghe lên đến 10 giờ liên tục.

DMC-E7R là một trong những dòng máy MD rất đáng chơi của hãng Kenwood. Ra mắt vào năm 1995, máy có ngoại hình khá đầm tay, rất nặng so với những máy MD khác. Theo anh Long, âm thanh DMC-E7R khá mạnh và sáng, khác hẳn với các máy Kenwood đời sau. Máy được tích hợp chức năng Optical-Out có thể xuất âm thanh ra theo tín hiệu quang học.

Được Sharp công bố vào năm 1997, MD-SS302 có kiểu dáng thể thao mạnh mẽ. Máy có kiểu nuốt đĩa khá thú vị, nhét vào bên hông như một chiếc thẻ nhớ và khi gạt cần Eject thì chiếc đĩa MD sẽ bật ra từ bên trong máy. MD-SS302 trang bị chip âm thanh dòng Sharp ATRAC 5 với chất âm tách bạch đặc trung. Nhược điểm của dòng này rất hay bị sự cố với bộ nhông kéo mắt đọc do sự lão hoá của các chi tiết nhựa. Để hạn chế, anh Long cho biết cần phải kiểm tra bôi mỡ và vệ sinh để có thể kéo dài tuổi thọ các bộ phân của máy.

Panasonic SJ-MJ97 là một trong những MD cầm tay mỏng nhất và nhẹ nhất trên thế giới với chiều dày chỉ 11 mm. Như hình ảnh trên đây, máy (phía dưới) chỉ dày hơn một chút so với đĩa MD (phía trên). Tuy nhiên, do quá mỏng, hầu như các chi tiết đều được giản lược đến mức tối thiểu, ngay cả pin cũng chỉ có dung lượng 380 mAh.

Theo chia sẻ của anh Long, Sony Mz-R37 là chiếc máy được yêu thích nhất của cộng đồng MD thế giới. Ra mắt vào năm 1999, máy mang trong mình thiết kế cổ điển với màn hình nằm bên hông thay vì nằm trên mặt giống những chiếc máy khác. Màn hình tuy bé nhưng lại hiển thị khá đầy chủ các thông tin về tên bài hát, chế độ phát nhạc, mức tăng âm bass, âm lượng, hiển thị dung lượng pin, thời gian phát nhạc, ghi âm… Chiếc MD nhỏ gọn này được đánh giá cao nhờ chất âm rất chi tiết và mạnh mẽ với dòng chip ATRAC 4 hơn hẳn những model dòng E còn lại của Sony. Máy dùng 2 viên pin AA và có thể thay thế.

Sony Mz-S1 có thiết kế theo phong cách thể thao. Ra đời vào năm 2002, đây là thiết bị khá đình đám trong bộ sưu tập các loại máy nghe nhạc thể thao Sony của anh Long. Chiếc máy này được tích hợp các khung viền cao su và nút chặn cao su để chống nước và chống bụi nên đa số vẫn còn hoạt động rất tốt đến thời điểm hiện tại. Chất lượng âm thanh của Mz-S1 cũng được anh Long đánh giá cao, âm chắc và sáng. Ngoài ra, nó còn có thể chép nhạc theo kiểu "kéo thả" nhanh chóng từ máy tính thông qua phần mềm Sonic Stage, thay vì phải sao chép theo kiểu thông thường vất vả hơn.

Bộ đôi Victor XM-C11 (bên trái) và Victor XM-P55 (bên phải) cũng được đánh giá cao nhờ thiết kế nhỏ gọn và nhiều màu sắc bắt mắt. Không những thế, máy còn cho chất âm trong trẻo, sống động.

Rất ít dòng máy MD cầm tay được tích hợp thêm chức năng thu sóng Radio và Sony Mz-F40 là một trong những chiếc máy đó. Máy có hai màn hình hiển thị, một màn hình dành cho chơi nhạc MD và một màn hình dành cho việc dò song Radio với tần số FM 87.5-108 MHz, tần số AM 530-1710 kHz. Theo anh Long, chất âm Mz-F40 mộc mạc thiên hướng analog hơn rất nhiều so với các đàn em sau này. Máy "đặc trị" các dòng nhạc Jazz Vocal hay Country với dải âm mid "rất tinh tế và ngọt ngào".

Bảo Lâm