Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 18/6/2018, 09:17 (GMT+7)

Bên trong trung tâm VAR tại World Cup 2018

Một đội ngũ trọng tài mặc đồng phục đầy đủ, ngồi nghiêm chỉnh trước hàng chục màn hình vi tính để hỗ trợ trọng tài chính từ xa.

VAR (Video Assistant Referees) là "Trợ lý trọng tài qua video". Đây là đội ngũ hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trong một căn phòng kín ở bên ngoài sân.

Căn phòng này được đặt tại một địa điểm bí mật ở Moskva (Nga), cách xa các sân vận động và trong trạng thái được bảo vệ an ninh tối đa. Đây sẽ là nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động, khi các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018 diễn ra. Các trọng tài khi bước vào căn phòng này làm việc sẽ phải mặc trang phục đầy đủ như trọng tài trên sân, bao gồm quần áo, tất, giày... dù chỉ ngồi trước các màn hình vi tính. Pierluigi Collina, Chủ tịch của Ủy ban trọng tài FIFA, giải thích: "Vì họ cũng đổ mồ hôi như khi làm việc trên sân. Nó không giống như việc vừa ngồi xem một trò chơi vừa uống cà phê trên ghế sofa trong văn phòng".

Các thông tin dạng video được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này. 

Trước khi World Cup 2018 chính thức khai mạc, tất cả trọng tài đã được sử dụng trước hệ thống. Không chỉ ở một số giải đấu, FIFA còn xây dựng một trung tâm VAR thu nhỏ trong trụ sở để tiến hành chạy thử và kiểm tra kỹ thuật. Tất cả để đảm bảo cho hệ thống hoạt động hoàn hảo và không xảy ra lỗi khi ứng dụng thực tiễn. 

Có 35 trọng tài làm nhiệm vụ tại World Cup 2018. Những người này sẽ thay thế nhau trong vai trò trọng tài trên sân và trong trung tâm VAR. Ngoài ra, sẽ có thêm 13 trọng tài viên được độc quyền xem nội dung trên màn hình điều khiển trong căn phòng này. Thảo luận về cách hệ thống sẽ hoạt động, Roberto Rosetti, phụ trách VAR cho FIFA, cho biết: "Mỗi trận đấu sẽ có bốn cán bộ phụ trách. Một người phụ trách chính sẽ giao tiếp với trọng tài trên sân và có thể đề xuất liệu việc anh ta có nên đến và kiểm tra các cảnh quay hay không. Trợ lý VAR 1 theo dõi trận đấu trực tiếp, VAR 2 phụ trách các camera với các mặt cắt ngang, VAR 3 chịu trách nhiệm hỗ trợ VAR chính, để xác minh và đảm bảo việc giao tiếp tốt giữa các thành viên trong nhóm". 

VAR có thể được sử dụng trong bốn kịch bản là sau khi một bàn thắng được ghi; cho các quyết định phạt; quyết định có sử dụng thẻ đỏ hoặc cho một trường hợp trọng tài chính nhận dạng sai một cầu thủ. 

Trên sân, các tình huống có sự tham gia của VAR đều sẽ được hiển thị thông tin, hình ảnh chi tiết qua màn hình lớn để khán giả được theo dõi nhằm đảm bảo sự công bằng và chính xác cao nhất. 

Các trọng tài sẽ có khu vực riêng để quan sát hình ảnh qua màn hình khi được trợ lý VAR gợi ý qua hệ thống liên lạc. Để tránh ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài, không ai được phép xâm nhập khu vực này. Huấn luyện viên và cầu thủ hai đội đều phải đứng ngoài.

Trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới đây, ở phút thứ 24, cầu thủ Costa đã có bàn gỡ hòa cho Tây Ban Nha. Nhưng trước đó tiền đạo này đã tranh chấp với Pepe và có vẻ như khuỷu tay của anh đã chạm vào mặt trung vệ Bồ Đào Nha khiến cầu thủ này nằm sân. Tuy nhiên, công nghệ VAR xác định trong tình huống này Costa không có lỗi và thông báo cho trọng tài. Nếu trọng tài thổi phạt tình huống này, Costa sẽ không thể thoát xuống và có màn độc diễn trước hai hậu vệ, trước khi sút tung lưới thủ môn đối phương gỡ hòa. Ảnh: Reuters.

Còn trong trận đấu giữa Pháp và Australia diễn ra đêm 16/6, bàn thắng đầu tiên của tuyển Pháp, cũng là bàn mở tỷ số, diễn ra ở đầu hiệp hai. Xuất phát từ pha đột phá của Antoine Griezmann vào cấm địa, một cầu thủ của Australia đã nhoài người xoạc bóng. Ban đầu trọng tài chính Andres Cunha không cho rằng đó là một pha phạm lỗi. Tuy nhiên, sau đó ông đã cho tạm dừng trận đấu để đến khu vực kỹ thuật, sử dụng công nghệ VAR. Sau khi trở lại sân, trọng tài đã ra hiệu cho Pháp được hưởng phạt đền, trong sự phản ứng của các cầu thủ Australia. Ảnh: Reuters.

Hệ thống hỗ trợ trọng tài VAR
 
 

Video giải thích cách hoạt động của VAR. Nguồn: FIFATV.

Ảnh: AFP

Bảo Nam